Phạm tội có tổ chức theo quy định của bộ luật hình sự
Phạm tội có tổ chức là gì? Quy định của pháp luật về tội phạm có tổ chức như thế nào? Dưới đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về vấn đề này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Phạm tội có tổ chức là gì?
Tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm đặc biệt, do phạm tội có tổ chức ngoài việc có những dấu hiệu của đồng phạm thông thường thì đồng phạm có tổ chức còn có đặc điểm có sự cấu kết chặt chẽ. Sự kết cấu chặt chẽ của đồng phạm có tổ chức vừa thể hiện đặc điểm dấu hiệu chủ quan vừa thể hiện được đặc điểm của dấu hiệu khách quan, vừa thể hiện mức độ liên kết về mặt chủ quan, vừa thể hiện mức độ phân hóa vai trò, nhiệm vụ cụ thể về mặt khách quan của những người đồng phạm.
Mặt khách quan của phạm tội có tổ chức
Tội phạm có tổ chức là hình thức đồng phạm có phân công vai trò, có kế hoạch phạm tội chi tiết, rõ ràng hoặc tuy không có kế hoạch nhưng mỗi người đảm nhiệm một phần nhất định và chịu trách nhiệm đối với phần việc của mình. Mỗi người trong nhóm sẽ được giao một nhiệm vụ cụ thể và tất cả họ cùng nhau liên kết lại thực hiện tội phạm và che dấu tội phạm.
Mỗi thành viên có thể là người tổ chức, người điều hành, người giúp sức hoặc người thực hành, họ giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng thực hiện tội phạm. Thường trong mọi trường hợp, vị trí của người tổ chức được đề cao, tách khỏi những người đồng phạm khác. Đây là người nghĩ ra và điều hành các hoạt động phạm tội. Cụ thể
+ Người tổ chức: Đồng phạm trong vai trò là người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, đưa ra kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội;
+ Người thực hành: Đồng phạm trong vai trò là người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội;
+ Người xúi giục: Đồng vạm trong vai trò là người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tiến hành thực hiện hành vi phạm tội mà không có hành vi xúi giục này chưa chắc hoặc có thể hành vi phạm tội chưa xảy ra luôn và ngay hoặc không diễn ra sớm hơn.
+ Người giúp sức: Đồng phạm rong vai trò người giúp sức là việc tạo các điều kiện tinh thần hoặc điều kiện vật chất cho những người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Mặt chủ quan của phạm tội có tổ chức
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm mà giữa những người phạm tội đã thống nhất được với nhau từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc kể cả những biện pháp lẩn tránh pháp luật, tạo ra trong ý thức mỗi người một kế hoạch phạm tội có sự phối hợp hợp nhịp nhàng của những người tham gia. Nhóm phạm tội này có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về mọi mặt cho việc thực hiện cũng như cho việc che giấu tội phạm. Trong quá trình phạm tội, từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, mỗi người phạm tội đều thể hiện thái độ thuần phục trước người tổ chức . Mỗi người đồng phạm đều chịu sự điều khiển chung thống nhất, đều coi và sử dụng tổ chức phạm tội như là công cụ sức mạnh trong hoạt động tội phạm của mình.
Phạm tội có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Bên cạnh đó, phạm tội có tổ chức còn là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của nhiều loại tội phạm cụ thể như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội cướp tài sản, Tội hiếp dâm / dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, tội cố ý lây truyền HIV cho người khác; tội mua bán người… và nhiều tội danh khác được liệt kê trong bộ luật hình sự hiện hành.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về Phạm tội có tổ chức theo quy định của bộ luật hình sự. Nếu còn những thắc mắc hãy liên hệ với dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!