Tạm nhập tái xuất là gì? Các hình thức và quy trình tạm nhập tái xuất
Tạm nhập tái xuất là gì? Tạm nhập tái xuất có các hình thức nào? Quy trình tạm nhập tái xuất ra sao? Dưới đây là giải đáp về những vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
Tạm nhập tái xuất là gì?
Tạm nhập tái xuất được hiểu là việc một thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ một quốc gia, được thực hiện đầy đủ thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó thương nhân Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đã nhập khẩu này sang một quốc gia khác hoặc có thể là chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu. Đồng thời, hàng hóa tạm nhập tái xuất này theo hình thức kinh doanh có khoảng thời gian lưu lại tại Việt Nam là không quá 60 ngày kể từ thời điểm thương nhân Việt Nam làm thủ tục tạm nhập qua khu vực hải quan.
Các hình thức tạm nhập tái xuất
Theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, quy định có 05 hình thức tạm nhập, tái xuất:
1. Tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh
Đây là là hình thức kinh doanh được thực hiện tại Việt Nam nhưng thương nhân phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Với hàng hóa kinh doanh có điều kiện:
Theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện bao gồm:
- Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh: như thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ; ruột, bong bóng và dạ dày động vật…
- Nhóm hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt : bia sản xuất từ malt; rượu vang từ nho tươi; xì gà; thuốc lá…
- Nhóm hàng hóa đã qua sử dụng: Tủ kết đông, loại cửa trên…
Điều kiện kinh doanh: Thương nhân Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.
- Hạn chế: Không được ủy thác, nhận ủy thác tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện; không chuyển loại hình kinh doanh từ tạm nhập tái xuất sang hình thức nhập khẩu nhằm mục đích tiêu thụ nội địa những hàng hóa tạm nhập tái xuất có điều kiện.
- Với vận đơn đường biển của hàng hóa tạm nhập tái xuất: Cần phải là vận đơn đích danh ghi rõ Mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp hoặc số Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp đối với hàng hóa đã qua sử dụng.
+ Với hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, tạm dừng xuất nhập khẩu hoặc chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam: Doanh nghiệp muốn kinh doanh loại hàng hóa này cần phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất.
+ Với hàng hóa tạm nhập tái xuất nằm ngoài phạm vi 02 loại hàng hóa nêu trên: Thương nhân Việt Nam được thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất tại các cơ quan hải quan.
2. Tạm nhập tái xuất theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn
Thương nhân Việt Nam có quyền ký kết hợp đồng với thương nhân nước ngoài về hàng hóa tạm nhập tái xuất với mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn trừ trường hợp là hàng hóa thuộc diện cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu. Sau khi tiến hành bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hàng hóa tạm nhập tái xuất trong một khoảng thời gian nhất định thì thương nhân nước ngoài lại tiếp tục tái xuất hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
3. Tạm nhập tái xuất để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài
Hoạt động này được hiểu là thương nhân nước ngoài đặt hàng với thương nhân Việt Nam về việc tái chế, bảo hành hàng hóa đích danh cho thương nhân nước ngoài chỉ định. Sau khi tái chế, bảo hành thì thương nhân Việt Nam sẽ xuất trả lại hàng hóa đó cho chính thương nhân nước ngoài đã đặt hàng. Được thực hiện tại các cơ quan Hải quan và không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.
4. Tạm nhập tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
Mục đích của hình thức này là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, kích cầu giao thương trong và ngoài nước. Do đó không yêu cầu phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất mà chỉ phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
5. Tạm nhập tái xuất sản phẩm vì mục đích nhân đạo và mục đích khác
Trong những trường hợp nhất định do điều kiện về trang thiết bị , máy móc, dụng cụ y tế tại Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nước và các tổ chức nước ngoài vì mục đích nhân đạo muốn đưa các trang thiết bị y tế vào để hỗ trợ Việt Nam thì sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Hình thức này không cần có Giấy phép tạm nhập tái xuất.
Quy trình thủ tục tạm nhập tái xuất:
Bước 1: Xác định nhu cầu tạm nhập tái xuất
Trước hết phải xác định thật rõ nhu cầu tạm nhập để chọn đúng loại hình và chuẩn bị các chứng từ phù hợp với loại hình đó. Một số nhu cầu cơ bản theo loại hình này:
– Hàng được cho mượn để giới thiệu sản phẩm (cần có hợp đồng, mail thỏa thuận cho mượn trong thời hạn bao lâu, mục đích)
– Hàng có xuất xứ Việt Nam cần tái nhập để bảo hành cho khách (cần có hợp đồng mua bán có điều khoản bảo hành còn hiệu lực)
– Hàng cần đem đi triển lãm nhưng sẽ phải tái nhập về (phải có giấy mời, thư bảo lãnh, hợp đồng thuê mướn…-tùy theo trường hợp).
– Hàng thuê có thời hạn (phải có hợp đồng cho thuê – ghi rõ thời hạn thuê).
– Hàng đem qua nước ngoài kiểm tra, test, lấy mẫu phân tích (dạng này cần phải chắc chắn tái nhập về nếu kiểm tra đạt / không đạt, test đủ tiêu chuẩn/ không đủ tiêu chuẩn…)
Bước 2: Chuẩn bị chứng từ
Sau khi xác định rõ là hàng làm theo dạng tạm nhập – tái xuất, cần phải chuẩn bị đầy đủ các chứng từ như sau:
– Hợp đồng sửa chữa, hợp đồng bảo hành, hợp đồng thuê mướn… (đã nêu ở trên)
– Commercial Invoice được cung cấp từ công ty người gửi. Giá trị hàng hóa tùy trường hợp, có thể là 100% giá trị nếu hàng mới mua chưa sử dụng hay hàng đem đi triễn lãm, hoặc chỉ còn 10-20% giá trị ban đầu do có khấu hao sử dụng.
– Packing List
– Công văn xin tạm nhập – tái xuất
– Tờ khai tạm nhập
– Vận đơn
Lưu ý quan trọng: cần thể hiện rõ số serial number, model, hãng sản xuất, xuất xứ trên chứng từ trùng khớp với trên hàng hóa. -> có thể yêu cầu chụp lại ảnh trước khi gửi hàng đi để kiểm tra với chứng từ.
– Giá trị hàng hóa sẽ không tính thuế đối với hàng tạm nhập ngoại trừ trường hợp tạm nhập theo hình thức thuê mượn có phải thanh toán phí thuê mượn cho đầu nước ngoài. Thuế nhập khẩu sẽ được tính theo phí thuê mượn dựa vào mã HS của hàng hóa như lúc nhập kinh doanh bình thường. Hàng sẽ không chịu thuế VAT (điểm này quan trọng).
Bước 3: Làm thủ tục hải quan, thông quan
Quy trình này cũng giống như quy trình hàng nhập bình thường.
Bước 4: Theo dõi
Theo dõi và đảm bảo thời gian tạm nhập luôn còn hạn hiệu lực, nếu thấy sắp đến hiệu lực mà hàng hóa chưa sẵn sang để gửi trả cần gia hạn thêm thì bạn phải làm thủ tục gia hạn cho tờ khai tạm nhập.
Bộ hồ sơ cho quy trình này là:
– Tờ khai tạm nhập bản gốc (liên do người nhập khẩu giữ) + bản photo sao y
– Công văn xin gia hạn
– Hợp đồng sữa chữa, thuê mướn, triển lãm…
– Điều khoản, phụ lục có ghi gia hạn trong hợp đồng thuê mướn; hoặc email, công văn thông báo cần thêm thời gian sửa chữa, thuê mượn, triễn lãm…
Sau khi trình hải quan, hải quan tại chi cục mở tờ khai tạm nhập sẽ xác nhận trên tờ khai là gia hạn đến bao lâu.
Bước 5: Xác định đúng hàng hóa
Giả sử như hàng hóa đã xong việc, cần tái xuất trả, đây là lúc quan cần lưu ý một số điểm như sau:
– Xác định là đúng hàng hóa đã được nhập về (trùng serial number, model hay thông số trên tờ khai tạm nhập)
Sau khi xác định đầy đủ các yếu tố thì liên hệ book lịch tàu, lịch bay để làm thủ tục tái xuất cho lô hàng
Book lịch tàu, lịch bay…Lấy B/L hay AWB khi hàng đã hoàn tất tái xuất.
Bước 6: Làm thủ tục tái nhập cho lô hàng
Cần chuẩn bị bộ hồ sơ tái xuất như sau:
Tờ khai tái xuất khẩu thông tin hàng như tờ khai tạm nhập có thể xuất làm nhiều lần cho lô hàng tạm nhập.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về Tạm nhập tái xuất là gì? Các hình thức và Quy trình tạm nhập tái xuất. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật theo quy định pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!