Vi bằng là gì? Lập vi bằng để mua bán nhà đất có được không?
Vi bằng là gì? Lập vi bằng để mua bán nhà đất có được không theo quy định của pháp luật? Dưới đây là những giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Nội Dung Bài Viết
Vi bằng là gì?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.
Như vậy:
– Thừa phát lại là cơ quan có thẩm quyền lập vi bằng
– Nội dung của vi bằng là ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác
Bên cạnh đó, giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP như sau:
– Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án
– Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận.
Lập vi bằng để mua bán nhà đất có được không?
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Khoản 8 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định: “Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ vào quy định trên, Thừa phát lại không được lập vi bằng đối với các trường hợp sau:
– Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp.
– Liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
– Các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thừa phát lại chỉ được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp thì mới hợp pháp.
Mặt khác, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên”
⇒ Căn cứ vào các quy định trên, hợp đồng mua bán (chuyển nhượng) nhà đất phải được công chứng hoặc chứng thực, nghĩa là thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp. Do đó, Thừa phát lại không có quyền lập vi bằng trong trường hợp mua bán nhà đất. Việc lập vi bằng chỉ là bằng chứng chứng minh việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất sẽ không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.
Trên đây Luật Nhân Dân đã giải đáp cho các bạn về thắc mắc Vi bằng là gì? Lập vi bằng để mua bán nhà đất có được không?. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!