Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Điều kiện và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như thế nào theo quy định hiện nay? Lệ phí cấp giấy chứng nhận VSATTP là bao nhiêu? Dưới đây là những giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
- Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 do Quốc hội ban hành 17 tháng 6 năm 2010
- Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
Cơ sở cần phải có cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi hoạt động
Theo điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
“a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
c) Sơ chế nhỏ lẻ;
d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
g) Nhà hàng trong khách sạn;
h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
i) Kinh doanh thức ăn đường phố;
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo khoản 1 điều 34 Luật an toàn thực phẩm về Đối tượng, điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;
b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Bước 1: Tập huấn kiến thức VSATTP
Chủ cơ sở chế biến hoặc người trực tiếp tham gia chế biến được tham gia chương trình tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và được khám sức khỏe.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Hồ sơ hợp lệ gồm đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP.
– Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh( nếu có).
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện VSATTP, bao gồm:
- Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở
- Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống
- Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
- Bản cam kết đảm bảo VSATTP đối với nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (theo mẫu)
– Bản sao công chứng giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe.
– Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở). Đối với Những người có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng y, dược chuyên khoa Vệ sinh thực phẩm, Dịch tễ, Dinh dưỡng; bằng tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng – khoa Công nghệ thực phẩm khi trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cần có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và xử lý
– Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt và thông báo cho các cơ sở có hồ sơ hợp lệ hay không trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ.
– Trong 10 ngày sau đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tiến hành cử người kiểm tra cơ sở.
Kết quả kiểm tra, cơ sở được đánh giá an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận cho cơ sở hoặc cá nhân có yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra không đạt, thì tiến hành thẩm định lại trong thời hạn 3 tháng (điều này được ghi rõ trong biên bản thẩm định); sau khi thẩm định đại mà vẫn không đạt thì bên thẩm định lập văn bản và đề xuất với cơ quan khác có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Lưu ý, sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP:
- Thời hạn giấy chứng nhận VSATTP có giá trị: 3 năm kể từ ngày cấp
- Phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua bản cam kết
- Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm của người kiểm tra để đảm bảo các điều kiện và tiêu chuẩn như giấy chứng nhận đã cấp 1 năm 1 lần.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Căn cứ vào Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 thì lệ phí cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là 1.000.000 đồng /lần/cơ sở
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ với dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!