Ủy quyền là gì? Quy định về ủy quyền và đại diện theo ủy quyền
Ủy quyền là gì? Hình thức ủy quyền nào có giá trị pháp luật? Khi nào thì chấm dứt đại diện ủy quyền? Phân biệt hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền? Dưới đây là giải đáp về những vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Ủy quyền là gì?
Ủy quyền được hiểu là cá nhân (tổ chức) cho phép cá nhân (tổ chức) khác có quyền đại diện mình quyết định, thực hiện một hành động pháp lý nào đó và vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc uỷ quyền đó. Ủy quyền là căn cứ làm phát sinh quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, đồng thời nó cũng là cơ sở để người ủy quyền tiếp nhận các kết quả pháp lý do hoạt động ủy quyền mang lại.
Hình thức ủy quyền nào có giá trị pháp luật?
Hiện nay, việc đại diện theo ủy quyền diễn ra rất phổ biến, các bên có thể thỏa thuận tiến hành giao dịch bằng nhiều hình thức, kể cả bằng miệng. Tuy nhiên đối với các trường hợp quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo hình thức đó mới có giá trị pháp luật.
Các chủ thể trong quan hệ đại diện theo ủy quyền
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015:
– Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
– Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
Theo đó, người đại diện theo ủy quyền có các loại sau:
- Đại diện theo ủy quyền của cá nhân
- Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân
- Đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác
Lưu ý:
– Người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác chỉ có thể là người trong chính hộ gia đình hoặc tổ hợp tác đó.
– Điều kiện của người đại diện theo ủy quyền: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Hậu quả pháp lý của đại diện theo ủy quyền
– Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
– Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
– Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.
Chấm dứt đại diện theo ủy quyền
Đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự thỏa thuận giữa các bên. Do đó việc chấm dứt đại diện phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí và sự định đoạt của các chủ thể dẫn đến việc chấm dứt đó. Các trường hợp chấm dứt bao gồm:
– Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc đã hoàn thành
– Chấm dứt ủy quyền khi cá nhân ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người đại diện theo ủy quyền từ chối nhận ủy quyền
– Đại diện theo ủy quyền còn chấm dứt khi cá nhân được ủy quyền chết, pháp nhân chấm dứt hoặc do một trong số các quyết định của Tòa án về tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Phân biệt hợp đồng ủy quyền với giấy ủy quyền
1. Khái niệm:
– Hợp đồng ủy quyền: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015).
– Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện ủy quyền do chủ thể bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền (giấy ủy quyền chỉ được thừa nhận trong thực tế không có văn bản nào quy định cụ thể).
2. Về bản chất:
– Hợp đồng ủy quyền là một hợp đồng, có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên
– Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền và áp dụng nhiều trong trường hợp cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện công việc thông qua giấy ủy quyền
3. Về người lập và ký:
– Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền. Việc lập hợp đồng ủy quyền đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng.
– Giấy ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền (hay gọi là ủy quyền đơn phương). Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy.
4. Hậu quả khi đơn phương chấm dứt thực hiện uỷ quyền:
– Đối với hợp đồng ủy quyền: Hợp đồng này quy định rõ ràng về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.
– Đối với giấy ủy quyền: Sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Ủy quyền là gì? Quy định về ủy quyền và đại diện theo ủy quyền. Nếu còn những vướng mắc về ủy quyền hoặc các vấn đề liên quan hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!