Quy chuẩn 41:2019 là gì? Những điểm đáng chú ý của Quy chuẩn 41:2019
Luật Nhân Dân xin giới thiệu tới quý bạn đọc Quy chuẩn 41:2019 để giúp các tài xế nắm rõ các quy định, không bị phạt oan khi tham gia giao thông. Dưới đây là những điểm đáng chú ý của Quy chuẩn 41:2019!
Nội Dung Bài Viết
Quy chuẩn 41:2019 là gì?
Quy chuẩn 41:2019/BGTVT là Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ. Do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT thay thế QCVN 41:2016/BGTVT.
Quy chuẩn 41:2019/BGTVT là quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm: đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Hiệp định GMS-CBTA, các thỏa thuận trong ASEAN và các thỏa thuận quốc tế khác).
Quy chuẩn này áp dụng đối với người tham gia giao thông trên mạng lưới đường bộ của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng, bảo vệ, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Những điểm đáng chú ý của Quy chuẩn 41:2019
Định nghĩa về ô tô con
Trong Quy chuẩn 41:2019 mới quy định: “Xe ô tô con ( hay còn gọi là xe con) là xe ô tô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi( kể cả người lái)”.
Như vậy, quy định này đã loại xe tải dưới 1,5 tấn so với Quy chuẩn cũ (QCVN 41:2016) ra khỏi danh sách xe con trong tổ chức giao thông. Bởi theo Quy chuẩn đang áp dụng, xe con còn bao gồm ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở dưới 1,5 tấn.
Xe bán tải trên 950kg bị coi như là xe tải
Tương tự như đối với xe tải dưới 1,5 tấn, chỉ những xe bán tải (xe pickup), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg hoặc xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg mới được xem là xe con trong tổ chức giao thông.
Như vậy, một số xe bán tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép (được ghi trong giấy đăng kiểm) trên 950kg sẽ được coi như xe tải khi tham gia giao thông.
Điều này có nghĩa là những xe này không được đi vào những nơi có biển cấm xe tải hoặc một số tuyến đường nội đô cấm xe tải. Đồng thời, khi di chuyển trên đường có phân rõ làn đường dành riêng cho các loại xe, những xe bán tải nói trên buộc phải đi vào làn đường cho xe tải.
Không nhất thiết phải đặt biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn
Tại Khoản 20.6, Điều 20 Quy chuẩn 41:2016) quy định: Trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.
Như vậy, trên một số tuyến đường có hai làn đường trở lên không nhất thiết các biển báo phải đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn mới là đúng quy định. Do đó, lái xe cần phải quan sát kỹ hơn các loại biển báo khi tham gia giao thông.
Không bắt buộc phải đặt biển chỉ dẫn lối đi phải theo trước biển cấm
Tại Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định trước khi đặt biển cấm rẽ trái, cần đặt biển chỉ dẫn hướng đi thích hợp( bắt buộc) thì hiện nay quy chuẩn 41:2019/BGTVT không bắt buộc điều này mà chỉ quy định “có thể đặt biển chỉ dẫn hướng đi thích hợp.
Ví dụ như tại đoạn đường giao cắt với đường một chiều, không nhất thiết phải đặt biển “Lối đi phải theo” mà chỉ cần đặt biển “Cấm rẽ trái” là đủ.
Quy định về vượt xe
Tại khoản 3.52, Điều 3 Quy chuẩn 41:2019/ BGTVT quy định: Vượt xe là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước, khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật GTĐB).
Bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch kép
Quy chuẩn 41/2019 cũng bổ sung vạch phân chia các làn xe cùng chiều (vạch số 2.4), dạng vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét). Loại vạch này trước đây không quy định.
Vạch 2.4 dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch. Đây cũng là điểm mới mà các lái xe cần phải chú ý nếu không muốn bị phạt.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT. Liên hệ với dịch vụ luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân để được tư vấn các khó khăn, vướng mắc về Luật Giao thông cũng như những vấn đề liên quan.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!