Lưu ý: Không được cầm cố Sổ đỏ – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Chắc hẳn có rất nhiều bạn thắc mắc liệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (thường được gọi là sổ đỏ) thì có đem cầm cố được không? Hãy cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây!
Trong một mối quan hệ dân sự, để đảm bảo cho các bên chủ thể thực hiện các quyền và ràng buộc nghĩa vụ với nhau khi tham gia vào giao dịch dân sự thì pháp luật cho phép các bên thỏa thuận với nhau các biện pháp bảo đảm, trong đó “cầm cố” là một trong những biện pháp được sử dụng nhiều hiện nay.
Nội Dung Bài Viết
Vậy, cầm cố là gì?
Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015:
“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”
Từ quy định trên, chúng ta thấy rằng đối tượng cầm cố phải đáp ứng được hai điều kiện:
- Đối tượng cầm cố phải là tài sản;
- Đối tượng cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.
Vậy, để trả lời câu hỏi có được cầm cố sổ đỏ hay không thì trước hết phải trả lời câu hỏi Sổ đỏ có phải là tài sản hay không?
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự: “Tài sản là vật; tiền; giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Bên cạnh đó, Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Theo các quy định trên, sổ đỏ được coi là chứng thư pháp lý xác lập mối quan hệ hợp pháp giữa Nhà nước với người sử dụng đất. Chỉ là văn bản chứng nhận một tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng mảnh đất đó và do đó, Sổ đỏ không phải là tài sản.
Người dân không được cầm cố nhà đất
Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:
“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”
Ngoài ra, điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:
“Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”
Có thể thấy, các quy định trên không quy định về việc người sử dụng đất có quyền cầm cố quyền sử dụng đất.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013 thì sổ đỏ không phải là tài sản; đất đai không thuộc quyền sở hữu của người sử dụng đất; nên họ không thể cầm cố được.
Trên đây là một số lưu ý về việc Không được cầm cố sổ đỏ – giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành. Liên hệ với Dịch vụ Luật sư tư vấn Luật Đất đai của Luật Nhân Dân để được tư vấn, giải đáp tất cả các khúc mắc. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp Dịch vụ làm sổ đỏ nhanh, trọn gói…
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!