Hồi tố là gì? Hiệu lực hồi tố được áp dụng như thế nào?
Hồi tố là một thuật ngữ được sử dụng trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, hồi tố được áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Vậy Hồi tố là gì? Hiệu lực hồi tố được áp dụng như thế nào? Cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
Nội Dung Bài Viết
Hồi tố là gì?
Trước hết, cùng xét nguyên tắc áp dụng pháp luật sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.
- Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
Theo đó, một khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì nó sẽ không được vận dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nó vốn điều chỉnh trong quá khứ nữa. Những hành vi, những mối quan hệ xã hội diễn ra trong thời gian nào, thì sẽ áp dụng những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đang có hiệu lực để điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định như cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì dù các hành động đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh thì vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện hành. Việc áp dụng này được gọi là Hồi tố.
Như vậy, Hồi tố trong pháp luật được hiểu là hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật. Tức là việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để điều chỉnh hành vi đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh hoặc văn bản pháp luật hiện hành có quy định khác văn bản pháp luật cũ.
Hiệu lực hồi tố được áp dụng như thế nào?
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về hồi tố như sau:
“Điều 152. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.”
Theo quy định trên:
- Hồi tố chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương.
- Không được quy trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi được thực hiện trong quá khứ, ngay tại thời điểm mà pháp luật chưa quy định truy cứu trách nhiệm. Nhưng tới khi có một văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực quy cứu trách nhiệm đối với hành vi đó thì những hành vi đã diễn ra trước khi văn bản này có hiệu lực sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.
Cụ thể, Hồi tố trong tố tụng dân sự, tại Nghị quyết 103/2015/QH13 quy định như sau:
- Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết
- Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.
- Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.
- Đối với những vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết.
- Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
- Khi giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.
Hồi tố trong Hình sự được quy định như sau
“Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian
(…)
- Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
- Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”
Từ các quy định trên có thể thấy, pháp luật pháp luật hình sự Việt Nam mang tính nhân văn, nhân đạo, luôn điều chỉnh theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Ví dụ: Bộ Luật hình sự 1999 quy định Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167). Tuy nhiên, Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 đã bỏ quy định về tội này. Như vậy, khi áp dụng hiệu lực hồi tố, nếu hành vi phạm tội Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế diễn ra sau khi Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nữa.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi Hồi tố là gì? Hiệu lực hồi tố được áp dụng như thế nào? Luật Nhân Dân hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích đối với quý bạn đọc, giúp quý bạn đọc có thêm kiến thức pháp luật và áp dụng trong cuộc sống để bảo đảm quyền lợi của mình. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ dịch vụ luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân để được tư vấn và hỗ trợ!
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!