Các khoản phụ cấp lương cho cán bộ công chức mới nhất năm 2025
Phụ cấp lương cho cán bộ công chức bao gồm những khoản nào theo quy định? Từ năm 2021 phụ cấp lương cho cán bộ công chức có gì mới? Dưới đây là những giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Quy định về các loại phụ cấp lương cho cán bộ công chức năm 2025
Chế độ phụ cấp lương cho cán bộ công chức được hướng dẫn tại Điều 6 Văn bản hợp nhất 04/NĐHN-BNV về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang ngày 22/07/2014. Theo đó các loại phụ cấp lương cho cán bộ công chức gồm:
1. Phụ cấp thâm niên vượt khung
Phụ cấp này áp dụng đối với một số đối tượng đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh.
Mức phụ cấp bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Tùy vị trí cụ thể, từ năm thứ ba hoặc năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
– Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì bị kéo dài thêm 06 tháng tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung so với thời gian quy định
– Trường hợp bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức thì bị kéo dài thêm 12 tháng tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung so với thời gian quy định.
2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo
Phụ cấp này áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.
Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.
3. Phụ cấp khu vực
Phụ cấp này áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.
Có 7 mức phụ cấp: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương cơ sở. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.
4. Phụ cấp đặc biệt
Phụ cấp này áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Có 3 mức phụ cấp: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
5. Phụ cấp thu hút
Phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Có 4 mức phụ cấp: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp từ 3-5 năm.
6. Phụ cấp lưu động
Phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.
Có 3 mức phụ cấp : 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung.
7. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.
Có 4 mức phụ cấp: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương cơ sở.
8. Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc
- Phụ cấp thâm niên nghề:
Phụ cấp này áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: Hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.
Mức phụ cấp: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 06 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.
- Phụ cấp ưu đãi theo nghề:
Phụ cấp này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của Nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.
Có 10 mức phụ cấp: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Phụ cấp trách nhiệm theo nghề:
Phụ cấp này áp dụng đối với các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và bảng lương chức vụ thuộc ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra và một số chức danh tư pháp.
Có 5 mức phụ cấp: 10%; 15%; 20%, 25% và 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề quy định tại điểm này thì không hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều này.
- Phụ cấp trách nhiệm công việc:
Những người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã. Có 3 mức phụ cấp: 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.
Những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc. Có 4 mức phụ cấp: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.
- Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh:
Phụ cấp này áp dụng đối với một số đối tượng làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và cơ yếu.
Có 2 mức phụ cấp: 30% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Các khoản thu nhập của cán bộ công chức bị bãi bỏ từ năm 2021
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, từ năm 2021 những khoản phụ cấp sau đây sẽ bị bãi bỏ:
– Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);
– Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);
– Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);
– Phụ cấp độc hại nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Riêng giáo viên, việc bỏ phụ cấp thâm niên đã được quy định cụ thể tại Điều 76 Luật Giáo dục 2019: Nhà giáo… được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Do đó, từ 01/7/2020, khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực, giáo viên đã không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa.
Bênh cạnh đó, một số khoản phụ cấp khác sẽ được gộp chung lại như sau:
– Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn được gộp chung, gọi là phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Loại phụ cấp này được áp dụng với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước.
– Phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn được gộp chung, gọi là phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Như vậy, đến năm 2021, sẽ chỉ còn 07 khoản phụ cấp được tiếp tục thực hiện gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng, phụ cấp đặc thù với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Quy định về các khoản phụ cấp lương cho cán bộ công chức mới nhất năm 2025. Nếu còn những vướng mắc về luật lao động hay các vấn đề liên quan hãy liên hệ với dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!