3 hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất
Thế nào là xâm phạm quyền tác giả? Các hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất hiện nay là gì? Để tìm hiểu rõ hơn các vấn đề này mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây với Luật Nhân Dân.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Nghị định 22/2018/NĐ-CP về Hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan do Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 02 năm 2018;
- Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan do Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013;
Quyền tác giả là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Như vậy có thể hiểu rằng, quyền tác giả là quyền được pháp luật trao cho tác giả hay chủ sở hữu của một tác phẩm về việc đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Sao chép, điều chỉnh hay truyền tải, phổ biến tác phẩm đến với công chúng bằng và việc cho phép người khác tham gia vào quá trình khai thác tác phẩm.
3 hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất hiện nay
+ Thứ nhất, sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả
Trừ trường hợp được quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì mọi hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả đều là vi phạm.
Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quy định về sự tự sao chép một bản và điều kiện sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, cụ thể:
- Tự sao chép một bản áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là việc sao chép không quá một bản và thư viên không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Mức xử phạt đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 15 – 35 triệu đồng (theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)
Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo uy định tại Khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 201, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 – 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 – 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 – 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
+ Thứ hai, hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả ( theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005)
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này được quy định tại Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm;
- Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm.
Đồng thời với phạt tiền thì người thực hiện hành vi còn buộc phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi này.
+ Thứ ba, xâm phạm quyền tác giả về phân phối tác phẩm đến công chúng
Theo quy định tại khoản 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hành vi phân phối bản sao tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu là vi phạm.
Theo đó, quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trên được quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP là từ 10 – 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân dân Việt Nam về 3 hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất hiện nay. Nếu còn những vướng mắc về các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:
Mobile: 0966.498.666 – Tel: 02462.587.666
Email: luatnhandan@gmail.com
Tác giả: Luật sư Nguyễn Anh Văn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!