Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào hàng hóa xuất khẩu
Điều kiện để hàng hóa xuất khẩu có thể khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào là gì là thắc mắc được nhiều bạn đọc quan tâm. Giờ hãy cùng giải đáp vấn đề này qua bài viết sau với Luật Nhân Dân.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
- Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi năm 2013;
- Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành ngày 31 tháng 12 năm 2013;
- Thông tư 119/2014/TT-BTC do Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 08 năm 2015;
Điều kiện để khấu trừ thuế GTGT đầu vào hàng hóa xuất khẩu
Các điều kiện để khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào của hàng xuất khẩu như sau:
1) Phải có hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa);
Trong trường hợp ủy thác xuất khẩu thì cần phải có hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu có ghi rõ các nội dung sau đây:
+ Số lượng, chủng loại sản phẩm, giá trị hàng ủy thác đã xuất khẩu;
+ Số, ngày hợp đồng xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu ký với nước ngoài;
+ Số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng với nước ngoài của bên nhận ủy thác xuất khẩu;
+ Số, ngày, số tiền ghi trên chứng từ thanh toán của bên nhận ủy thác xuất khẩu thanh toán cho bên ủy thác xuất khẩu;
+ Số, ngày tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu của bên nhận ủy thác xuất khẩu.
2) Phải có tờ khai hải quan (trừ một số trường hợp);
Yêu cầu về Tờ khai hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Một số trường hợp không cần tờ khai hải quan bao gồm:
+ Đối với cơ sở kinh doanh xuất khẩu dịch vụ, phần mềm qua phương tiện điện tử thì không cần có tờ khai hải quan. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục xác nhận bên mua đã nhận được dịch vụ, phần mềm xuất khẩu qua phương tiện điện tử theo đúng quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
+ Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.
+ Cơ sở kinh doanh cung cấp điện, nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả bảo hộ lao động: quần, áo, mũ, giầy, ủng, găng tay).
3) Phải thanh toán qua ngân hàng;
Tức là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Và chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu.
4) Phải có hóa đơn thương mại.
Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với một số trường hợp được coi như xuất khẩu
+ Đối với hàng hóa gia công chuyển tiếp, cần có:
– Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.
– Hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.
– Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.
– Hàng hóa gia công cho nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng.
+ Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ điều kiện cần có:
– Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;
– Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;
– Hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;
– Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài ủy quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.
– Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.
+ Đối với hàng hóa, vật tư do doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài điều kiện cần có:
– Tờ khai hải quan;
– Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.
– Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (trường hợp ủy thác xuất khẩu).
+ Đối với hàng hóa, vật tư do cơ sở kinh doanh trong nước bán cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài điều kiện cần có:
– Tờ khai hải quan;
– Hàng hóa, vật tư xuất khẩu phải phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu để công trình xây dựng ở nước ngoài do Giám đốc doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài phê duyệt.
– Hợp đồng mua bán ký giữa cơ sở kinh doanh trong nước và doanh nghiệp Việt Nam thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, trong đó có ghi rõ về điều kiện giao hàng, số lượng, chủng loại và trị giá hàng hóa.
– Hợp đồng ủy thác (trường hợp ủy thác xuất khẩu).
– Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
– Hóa đơn GTGT bán hàng hóa.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân dân Việt Nam về Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào hàng hóa xuất khẩu. Nếu còn những vướng mắc liên quan tới luật thuế hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:
Mobile: 0966.498.666
Tel: 02462.587.666
Email: luatnhandan@gmail.com
Tác giả: Luật sư Nguyễn Anh Văn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!