Khái niệm và quy định về hộ kinh doanh cá thể mới nhất 2025
Hộ kinh doanh cá thể là gì? Ưu và nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể? Điều kiện và thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể như thế nào theo quy định pháp luật? Dưới đây là những giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh cá thể là mô hình kinh doanh nhỏ phổ biến hiện nay. Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP định nghĩa hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, trong đó:
– Do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ
– Đăng ký kinh doanh tại một địa điểm
– Sử dụng dưới 10 lao động
– Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Ưu điểm và nhược điểm của hộ kinh doanh cá thể
1. Ưu điểm
– Thủ tục thành lập khá đơn giản:
Người muốn thành lập hộ kinh doanh chuẩn bị các giấy tờ sau và nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh:
+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
+ Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực
+ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập.
– Quy mô gọn nhẹ, phù hợp với những cá nhân hoặc nhóm cá nhân muốn khởi nghiệp, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, không yêu cầu về cơ cấu tổ chức quản trị rõ ràng, không có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai
– Chế độ kế toán gọn nhẹ, đơn giản
– Không phải kê khai thuế hàng tháng, được áp dụng chế độ thuế khoán.
2. Nhược điểm
– Không có tư cách pháp nhân, không có con dấu nên nhà đầu tư phải dùng tài sản của mình để chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh
– Tính chất hoạt động manh mún, nhỏ lẻ do chỉ được sử dụng tối đa 9 lao động, nếu thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên mà không thành lập doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng (theo Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP). Tính chất nhỏ lẻ này dẫn đến khó tạo được lòng tin cho khách hàng trong những lần đầu hợp tác
– Không có quy định của pháp luật điều chỉnh chặt chẽ, cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động, về quyền và nghĩa của các nhà đầu tư
– Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, không được mở thêm chi nhánh hay văn phòng đại diện tại địa điểm khác
– Mỗi cá nhân chỉ được đứng tên đại diện thành lập một hộ kinh doanh
– Không được khai, tính thuế GTGT theo phương phương pháp khấu trừ nên không được hoàn thuế, không xuất được hóa đơn GTGT (theo khoản 4 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, sửa đổi bổ sung 2013).
Điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện sau:
– Có ngành, nghề kinh doanh không thuộc Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2014:
“1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
– Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: Hộ kinh doanh và tên riêng. Tên riêng không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục.
– Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh cá thể là 100.000 đồng/lần (theo quy định tại Thông tư 176/2012/TT-BTC).
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể năm 2025
1. Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể được quy định như sau.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
– Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh (Phụ lục III-2, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
– Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
– Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
2. Nơi nộp hồ sơ
Cá nhân hoặc nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Kèm theo Giấy đề nghị phải có các văn bản được nêu tại Thành phần hồ sơ.
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận.
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí): 100.000 đồng/lần (Thông tư số 176/2012/TT-BTC) (Nộp tại thời điểm nộp hồ sơ).
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Khái niệm và quy định về hộ kinh doanh cá thể mới nhất 2025. Nếu còn những vướng mắc về luật kinh doanh hoặc các vấn đề liên quan hãy liên hệ với dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!