Bằng tốt nghiệp cấp 3 bị mất có xin cấp lại được không?
Trường hợp, bị mất, cháy, rách bằng tốt nghiệp cấp ba có xin cấp lại được không và thời gian, thủ tục làm lại bằng như thế nào? Dưới đây là những giải đáp về thắc mắc này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ngày 08/9/2015.
Có được xin cấp lại bằng cấp ba khi bị mất không?
Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT quy định nguyên tắc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ:
“2. Bản chính văn bằng, chứng chỉ được cấp một lần. Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại cho người học.”
Như vậy, các văn bằng, chứng chỉ nói chung, trong đó có bằng cấp ba (bằng tốt nghiệp THPT) theo quy định chỉ được cấp một lần, không được cấp lại. Chỉ trong trường hợp văn bằng hoặc chứng chỉ đó có sai lỗi do cơ quan cấp văn bằng chứng chỉ đó mới được cấp lại (đó là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng – đảm bảo tính chính xác)
Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề này, chỉ có thể yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cấp bản sao từ sổ gốc Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của bạn, bản sao Bằng tốt nghiệp này của bạn sẽ có thêm chữ “(BẢN SAO)”.
Căn cứ vào Điều 31 Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT, theo đó:
“1. Bản sao văn bằng, chứng chỉ được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao văn bằng, chứng chỉ được cấp từ sổ gốc thì không được yêu cầu xuất trình bản chính văn bằng, chứng chỉ để đối chiếu, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.”
Ai có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc?
Căn cứ vào thông tư 19/2015/TT-BGDĐT, thì những người sau đây có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc:
– Người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ;
– Người đại diện hợp pháp, người được uỷ quyền hợp pháp của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ;
– Cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, người thừa kế của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ trong trường hợp người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ đã chết.
Phương thức yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc
– Trực tiếp yêu cầu;
– Hoặc gửi yêu cầu của mình đến cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc qua bưu điện.
Hồ sơ yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác.
– Xuất trình giấy tờ chứng minh là người có quyền yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc (Nếu người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc là Người đại diện hợp pháp, người được uỷ quyền hợp pháp của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ; Cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, người thừa kế của người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ trong trường hợp người được cấp bản chính văn bằng, chứng chỉ đã chết).
Thời hạn cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc
– Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, nếu trực tiếp nhận yêu cầu;
– Ngay sau khi Cơ quan, cơ sở giáo dục nhận đủ hồ sơ yêu cầu hợp lệ được gửi qua bưu điện nhận đến.
Trong trường hợp không cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc cho người yêu cầu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lệ phí cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ gốc
– Người yêu cầu cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc phải trả lệ phí cấp bản sao. Được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bản sao.
– Trong trường hợp yêu cầu gửi qua đường bưu điện thì người yêu cầu còn phải trả cước phí bưu điện cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về Bằng tốt nghiệp cấp 3 bị mất có làm lại được không. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ với dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp nhanh chóng theo quy định pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!